Trẻ mầm non chưa biết đọc song việc cho làm quen với sách mang đến nhiều lợi ích đối với sự phát triển của trẻ. Để tạo hứng thú cho trẻ trong việc làm quen với sách, việc kiến tạo không gian cho trẻ làm quen với sách phù hợp với đặc điểm của trẻ là rất cần thiết. Thư viện và các góc đọc sách trong trường mầm non là không gian văn hóa trường học, là môi trường nuôi dưỡng thói quen đọc, khơi dậy nhu cầu được tìm hiểu, khám phá của trẻ, thúc đẩy sự sẵn sàng học tập của trẻ từ mầm non sang cấp tiểu học.
Hiện nay, nhà trường mới xây dựng 1 góc thư viện. Ngoài ra các lớp học đều có góc thư viên. Sau khi tiếp nhận thư viện, hầu hết các lớp có kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ, lồng ghép hoạt động vào các chủ đề giáo dục.
Việc bố trí, sắp xếp góc thư viện sách tại trường MG Hương Sen được thực hiện linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh, ánh sáng, không gian thoáng mát và giáo viên có thể dễ dàng bao quát các hoạt động; được phân khu rõ ràng: góc truyện cổ tích, thơ ca, hò vè; truyện ngụ ngôn; góc sách bé làm quen tiếng anh; góc sách về khám phá khoa học; góc kể chuyện sáng tạo; góc không gian mạng có máy tính để trẻ có thể xem phim hoạt hình, nghe kể chuyện, xem tranh ảnh, tra cứu giải đáp thắc mắc…
Mô hình thư viện của bé
Mỗi thư viện đồ chơi được chia thành 5 khu vực: Góc khoa học, Góc sáng tạo, Góc văn hóa dân gian, Góc đọc sách và Góc nghe nhìn… được thiết kế phong phú và sáng tạo với nhiều mô hình bàn học, tranh ảnh, đồ chơi hấp dẫn với trẻ. Với tinh thần “Học bằng chơi, chơi mà học”, mô hình “Thư viện của bé” giúp nhà trường có một môi trường giáo dục hiện đại, thân thiện và hiệu quả. Những cuốn sách xinh xắn, những câu chuyện sinh động hấp dẫn đến với trẻ như một đồ chơi đặc biệt.
Trong quá trình tương tác với sách, trẻ được hoạt động, được nghe và tập kể lại những câu chuyện thú vị. Từ đó, trẻ dần dần hình thành tình yêu đối với sách, thói quen và kĩ năng đọc sách. Các hoạt động của trẻ tại các góc thư viện còn giúp trẻ rèn luyện tính kiên trì, khả năng tập trung, làm việc nhóm; khả năng suy luận; tăng cường khả năng liên kết các sự vật, hiện tượng; đồng thời kích thích khả năng sáng tạo, khả năng nghệ thuật, hội họa; không những thế, hoạt động thư viện của bé sẽ giúp các em phát triển ngôn ngữ; gia tăng từ ngữ, khả năng nghe, hiểu; phát triển tình cảm, thẩm mỹ và kĩ năng xã hội; có ý thức về bản thân, phát triển kĩ năng giao tiếp
Để trẻ có thể tự mình lựa chọn sách, nhà trường chú trọng đến việc lựa chọn sử dụng những giá sách được thiết kế phù hợp với chiều cao của trẻ em ở độ tuổi mầm non, màu sắc phù hợp; sách được phân loại, sắp xếp, thay đổi linh hoạt tạo hứng thú cho trẻ.
Ngoài các loại sách dành cho trẻ, nhà trường đã xây dựng tủ sách dùng chung cho cán bộ giáo viên nhân viên khi cần tra cứu tài liệu, tham khảo để xây dựng kế hoạch dạy học không phải vất vả tìm kiếm, hoặc tránh tình trạng vì nguồn tài liệu hạn chế nên cán bộ giáo viên nhân viên có thể không muốn tham khảo, lâu ngày sẽ không có thói quen tìm tòi đọc sách. Bên cạnh đó thư viện còn có sách dành cho các bậc phụ huynh tham khảo các kiến thức nuôi dạy con theo khoa học, phụ huynh cũng có thể đọc sách tìm hiểu về chương trình chăm sóc giáo dục trẻ của nhà trường, giáo viên khuyến khích cho cha mẹ đọc sách, kể chuyện cho trẻ sau mỗi giờ tan học và dành một khoảng thời gian để đọc sách cho trẻ nghe tại nhà.
Như vậy việc xây dựng “Thư viện sách” cho cô và trẻ là rất quan trọng trong môi trường giáo dục như hiện nay nhằm tăng cường chia sẻ đọc và hình thành thói quen đọc, văn hóa đọc trong nhà trường. Qua đó tuyên truyền đến gia đình, cộng đồng, giúp trẻ mầm non có những nền tảng cơ bản để trở thành người đọc độc lập, từ đó trở thành những người chủ động học tập suốt đời…