“Nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động
vui chơi ngoài trời cho trẻ Mẫu giáo”
Như chúng ta đã biết, giai đoạn trẻ mầm non là giai đoạn phát triển vô cùng quan trọng trong cuộc đời của một đứa trẻ. Vì ở giai đoạn này trẻ bắt đầu hình thành và phát triển rất nhiều kiến thức, kỹ năng giao tiếp xã hội, phát triển về mặt tư duy, trí tuệ, thể chất cùng rất nhiều kĩ năng khác nhau. Có thể nói rằng, các hoạt động đa dạng, phong phú ở trường mầm non sẽ luôn thu hút trẻ yêu thích được đến trường, đến lớp. Ở đó trẻ được gặp gỡ với bạn bè đồng thời được thỏa mãn đầy đủ các điều kiện để học hỏi, tìm tòi, khám phá và được vui chơi cùng các bạn.
Với chương trình giáo dục mầm non hiện nay, giáo viên có thể sử dụng rất nhiều phương pháp giáo dục phù hợp. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục mầm non chủ yếu được ưu tiên sử dụng hàng đầu vẫn là thông qua việc tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ. Và một trong những hoạt động vui chơi không thể thể thiếu được đối với trẻ ở trường mầm non chính là hoạt động vui chơi ngoài trời.
Hoạt động vui chơi ngoài trời (HĐVCNT) là một trong những hoạt động vui chơi mà trẻ mầm non cảm thấy hứng thú và quan tâm bậc nhất. Đây là hoạt động mang lại cho trẻ nhiều niềm vui và kiến thức cần thiết về thế giới xung quanh. Trẻ khi tham gia các HĐVCNT nhận thức được về thế giới xung quanh bằng cách tiếp xúc, tìm hiểu, khám phá từ đó giúp trẻ tăng thêm vốn sống. HĐVCNT giúp trẻ được tiếp xúc và gần gũi với thiên nhiên, giúp trẻ có cơ hội được hít thở bầu không khí trong lành, đồng thời được thoả mãn trí tò mò, thích khám phá. Có thể nói, khi trẻ tham gia các HĐVCNT, khi trẻ quan sát đùa nghịch, cười nói, thực chất là trẻ đang nhận thức, khám phá, học hỏi và có điều kiện phát triển tốt nhất những cảm xúc tích cực của mình. Chính vì vậy, nếu trẻ không được tham gia các hoạt động ngoài trời, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tình cảm, kỹ năng giao tiếp của trẻ, có thể khiến trẻ mất tự tin, thiếu sự linh hoạt, khó hòa đồng hơn.
HĐVCNT bao gồm: hoạt động có chủ đích nhằm rèn luyện một số kiến thức, kỹ năng cho trẻ một cách khoa học, theo đúng mục tiêu của chương trình giáo dục mầm non; hoạt động chơi với các trò chơi vận động, trò chơi có luật hoặc dân gian, các hoạt động giúp trẻ nhận biết và làm quen với môi trường và cuộc sống xung quanh và các hoạt động vui chơi tự do, các hoạt động ngoại khóa ngoài trời, hoạt động dạo chơi, tham quan…Tất cả các hoạt động này đều có tác dụng rất tốt trong việc rèn luyện kỹ năng sống, tình cảm, nhận thức cho trẻ. Bên cạnh đó, các hoạt động này giúp trẻ phát triển về mặt thể chất, vận động, giúp trẻ tiêu hao năng lượng, do đó trẻ sẽ ăn ngon hơn, ngủ tròn giấc hơn. Môi trường cho trẻ HĐVCNT sẽ là một môi trường hấp dẫn và lôi cuốn trẻ nếu chúng ta biết nắm bắt và tận dụng tất cả những yếu tố có sẵn trong thiên nhiên, trong thực tiễn, đồng thời tác động vào chúng thông qua các trò chơi, qua nhiều hoạt động ý nghĩa và trẻ có thể quan sát tìm hiểu sự vật xung quanh trẻ dựa trên các tình huống nẩy sinh. Những câu hỏi như: Vì sao? Làm thế nào?…Và sự tò mò ham hiểu biết của trẻ, từ đó chúng ta giáo dục trẻ hình thành hành vi đẹp, thói quen tốt, góp phần phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ.
Trước hết, Người giáo viên mầm non (GVMN) phải có ý thức tự học, tự bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của bản thân. Là người GVMN, bản thân phải luôn nổ lực để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định ngày càng cao về chuẩn nghề nghiệp GVMN. Trong đó đặc biệt chú trọng đến hoàn thiện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, bên cạnh đó không ngừng học hỏi, trau dồi cho mình các kiến thức kỹ năng cần có của một GVMN như hiểu về mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi mầm non, về phương pháp giáo dục trẻ mầm non, đánh giá đúng sự phát triển của trẻ và nhất là kiến thức kinh nghiệm liên quan đến đề tài tổ chức các HĐVCNT để thực hiện sao cho hiệu quả. GVMN cần dành nhiều thời gian để trò chuyện, vui chơi cùng trẻ nhằm phát hiện những vấn đề về tâm sinh lý cũng như những trẻ nhút nhát, rụt rè hay những trẻ rất hiếu động để can thiệp kịp thời và có những biện pháp cụ thể để giúp trẻ phát huy tính tích cực của mình khi tổ chức hoạt động vui chơi. Bên cạnh đó, GVMN phải cố gắng dành thời gian đọc nhiều các tài liệu về nội dung, hình thức tổ chức sao cho linh hoạt, nghiên cứu về các trò chơi ngoài trời gây hứng thú nhằm tạo cơ hội để trẻ phát triển toàn diện hơn về mọi mặt, nhất là trẻ ở tuổi mẫu giáo.
Thứ hai, GVMN cần lập kế hoạch tổ chức HĐVCNT cho trẻ một cách cụ thể. Để tổ chức tốt buổi HĐVCNT giáo viên phải có sự hiểu biết vững vàng về đặc điểm tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ theo từng độ tuổi về những kiến thức liên quan đến chủ đề cần cho trẻ khám phá và phải có khả năng đánh giá trẻ, để giúp trẻ phát triển một cách toàn diện nhất. Chính vì vậy, đối với việc tổ chức hoạt động nào cũng đòi hỏi giáo viên cần phải lập kế hoạch để dự kiến trước nội dung, hình thức tổ chức sao cho có hiệu quả và giáo viên sẽ cảm thấy được tự tin, an tâm hơn. Trước hết giáo viên cần phải xác định chủ đề, đề tài phù hợp cần cho trẻ làm quen trong giờ HĐVCNT. Từ chủ đề lớn đến chủ đề nhánh, cách thức giới thiệu chủ đề, cách hướng dẫn trẻ tìm hiểu khám phá chủ đề. Giáo viên cần phải có sự đầu tư nhiều hơn vào việc tìm tòi những nội dung hình thức tổ chức hoạt động vui chơi ngoài trời, cách gây hứng thú, sắp xếp hệ thống câu hỏi phù hợp với từng độ tuổi để trẻ dễ hiểu và thực hiện phù hợp với khả năng của trẻ. Lên kế hoạch chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi, học liệu đa dạng, phong phú…; những trò chơi vận động, trò chơi dân gian hấp dẫn theo chủ đề; môi trường cho trẻ hoạt động gắn với chủ điểm, gắn với mốc thời gian phù hợp để tạo cho trẻ những giờ HĐVCNT hiệu quả và mang tính thực tiễn nhất. Bên cạnh đó, GVMN phải xác định đối tượng, số lượng, vị trí, khu vực tổ chức hoạt động của trẻ, dự kiến những ảnh hưởng của thời tiết đến các đối tượng trẻ sẽ được trải nghiệm, làm quen, quan sát, khám phá. Dự kiến về nội dung sẽ cho trẻ lao động, vận động, thực hành, chăm sóc thiên nhiên môi trường xung quanh hoặc tham gia một hoạt động mang tính ngoại khóa, sự kiện ngoài trời. Tổ chức cho trẻ hoạt động cần tự do thoải mái, tránh gò bó áp đặt, lấy trẻ làm trung tâm như tinh thần giáo dục của Bộ trong những năm gần đây. Tất cả cần tiến hành trên nền cảm xúc và sự hứng thú của trẻ với đối tượng đang quan sát, không nhất thiết phải thực hiện các nội dung theo một trật tự cứng nhắc mà phải linh hoạt tùy vào tình hình của trẻ và diễn biến của giờ hoạt động của trẻ diễn ra như thế nào.
Thứ ba, cần tạo ra một môi trường thân thiện, hợp lý, có tính phát triển và lấy trẻ làm trung tâm nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của trẻ trong HĐVCNT. Bởi vì tạo môi trường cho trẻ hoạt động rất cần thiết trong chương trình đổi mới, nhất là hiện nay yêu cầu về một môi trường thân thiện, hợp lý, có tính phát triển và lấy trẻ làm trung tâm là vô cùng quan trọng và cần thiết nhằm phát huy hết tính tích cực, chủ động của trẻ. Vì vậy trước khi muốn tổ chức một hoạt động vui chơi nào đó chúng ta luôn chú ý đến môi trường của trẻ. Nghĩa là cần tận dụng mọi khoảng không gian để tạo môi trường hoạt động vui chơi ngoài trời cho trẻ. Một môi trường thân thiện về mọi mặt ( an toàn, sạch sẽ, đảm bảo thông thoáng…) sẽ giúp trẻ vui chơi và hoạt động được dễ dàng và thuận lợi hơn, kích thích trẻ tham gia vào hoạt động đạt hiệu quả hơn. Chính vì thế cần tận dụng diện tích sân trường cũng như trước lớp học thông thoáng sạch sẽ, có khoảng sân chơi phía trước cửa lớp, sân trường rợp bóng cây và có cả sân khấu, từ đó GVMN chú ý bố trí sắp xếp các học cụ đồ dùng đồ chơi, đội hình phù hợp để tạo môi trường thân thiện cho trẻ được vui chơi và hoạt động bên ngoài trời thật sự thoải mái nhất. Đặc biệt khi thực hiện các hoạt động chơi trò chơi vận động, yêu cầu môi trường là một khoảng sân rộng, an toàn, không có vật nhọn, sắt tránh nguy hiểm với trẻ để việc hoạt động vui chơi của trẻ được thuận lợi hơn, trẻ phát huy được khả năng của mình nhiều hơn.
Thứ tư, một trong những biện pháp tốt để giúp trẻ làm quen với kiến thức tự nhiên và xã hội xung quanh đạt hiệu quả cao đó là tăng cường các hoạt động cho trẻ trải nghiệm quan sát khi tham gia HĐVCNT. Đây là một hình thức kích thích óc tìm tòi khám phá của trẻ rất tốt. Nội dung quan sát thường dựa vào khả năng của từng trẻ để có thể đưa ra yêu cầu cho từng trường hợp quan sát.
Chẳng hạn: Ở chủ đề Thực vật – Tết và mùa xuân, có thể vận động phụ huynh dành nhiều thời gian trò chuyện với trẻ, cho trẻ đi chơi vườn bách thảo, công viên… đồng thời yêu cầu trẻ về nhà tìm và mang đến lớp một số loại cây và hoa để cả lớp cùng quan sát. Trong quá trình quan sát, phải luôn lấy trẻ làm trung tâm, được trực tiếp sờ, nắm, cầm vào vật thật…. và trẻ tự nói lên suy nghĩ, ý kiến của mình về những gì quan sát thấy, những gì trẻ được trực tiếp hoạt động… Vì vậy đòi hỏi giáo viên cần có kiến thức sâu, rộng về thế giới xung quanh để cung cấp cho trẻ. Ví dụ: Tiết môi trường xung quanh chủ đề một số loại hoa cần phải: Chuẩn bị một số loại hoa; Cho trẻ quan sát và trò chuyện cùng trẻ về một số loại hoa trong trường; Trẻ nêu lên sự hiểu biết của mình về một số loại hoa; Dựa vào hiểu biết của trẻ cô gợi ý để mở rộng sự hiểu biết của trẻ và cung cấp một số đặc điểm mà trẻ hiểu sai; Cho trẻ kể chuyện về đặc điểm của hoa mà trẻ có…
Thứ năm, luôn quan tâm đến việc thay đổi và đa dạng hóa các trò chơi ở ngoài trời. Giáo viên phải là người luôn biết chủ động tìm tòi những nội dung hoạt động ngoài trời, những trò chơi. Chẳng hạn: Với các trò chơi phát triển các giác quan: Trẻ lắng nghe tiếng động, tiếng kêu ở đâu, nghe tiếng gió thổi,tiếng lá rụng, tiếng chim hót, ngửi mùi hoa, mùi cỏ, mùi của lá cây, cảm nhận ánh nắng mặt trời, qua trò chơi ai tinh mắt, đoán cây qua lá, đoán vật bằng tay, tai ai thính , đoán xem tiếng động gì… Hay các hoạt động chơi giúp phát triển vận động ở trẻ: Đó là hình thức chơi với các đồ chơi có sẵn trong trường. Hoặc đối với các trò chơi có luật và trò chơi dân gian cho trẻ chơi phù hợp theo từng chủ đề khác nhau: Trò chơi dân gian là một trong những di sản quí báu của dân tộc,vừa đem lại cho trẻ em những điều thú vị bổ ích, đồng thời cũng giải quyết được nhu cầu vui chơi của trẻ. Trò chơi dân gian vốn rất đa dạng và phong phú, giáo viên có thể lựa chọn tùy vào từng chủ đề khác nhau để giúp trẻ được tiếp xúc với trò chơi dân gian vừa tạo điều kiện để trẻ phát triển thêm về tình cảm, thẩm mỹ và trí tuệ. Tổ chức hoạt động vui chơi qua trò chơi dân gian cũng là một trong những phương pháp vô cùng hiệu quả mà chúng ta có thể thường xuyên sử dụng: Ví dụ: Chi chi chành chành, cắp cua, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, kéo co, gánh lúa về làng, kéo mo cau, bịt mắt đánh trống, Cáo và Thỏ, nhảy bao bố, gánh võng…
Thứ sáu, có thể tổ chức cho trẻ tham gia vào các ngày lễ hội lớn trong năm thông qua HĐVCNT. Vì trong một năm có rất nhiều ngày lễ, ngày hội diễn ra, có những ngày lễ hội liên quan gần gũi với trẻ, nhưng cũng có những ngày lễ hội mamg đậm chất địa phương mà giáo viên đôi lúc vẫn còn bỏ qua việc cung cấp cho trẻ biết. Lễ hội chính là một trong những dịp tổ chức HĐVCNT không thể thiếu được đối với trẻ mầm non nhằm thỏa mãn được nhu cầu vui chơi, thể hiện cảm xúc, sự hiểu biết của trẻ. Ngoài ra còn là dịp để trẻ giao lưu với bạn bè, với mọi người xung quanh và qua đó để lại cho trẻ những ấn tượng tốt đẹp về thời thơ ấu của mình, góp phần phát triển trí tuệ, thể chất, ngôn ngữ, tình cảm – kỹ năng xã hội và chính là nội dung của việc giáo dục thẩm mỹ cho trẻ và là hình thức giúp trẻ thâm nhập vào cuộc sống xã hội trong những thời điểm có ý nghĩa nhất để giáo dục truyền thống và mang lại niềm vui, niềm tự hào cho trẻ.
Chẳng hạn: Trong những năm gần đây tại quê Bình Định của chúng ta có một ngày hội, sự kiện được chờ đợi trong năm đối với người dân Bình Định cũng như rất nhiều du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Đây cũng là dịp để trẻ hiểu hơn về quê hương miền đất võ Bình Định với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Với sự phối hợp của giáo viên cùng lớp, tôi cho trẻ ra sân hoạt động với đề tài: “Lễ hội võ cổ truyền Bình Định”: Mở đầu là các bài múa cờ, múa võ cổ truyền Bình Định và bài múa ca ngợi vẻ đẹp quê hương Bình Định; Sau đó cung cấp cho trẻ biết kiến thức về nơi sinh ra và phát triển võ cổ truyền Bình Định,… Qua đó cũng giaó dục trẻ học võ để có sức khỏe và bảo vệ bản thân. Sau đó trẻ được tự do về nhóm vui chơi vào những trò chơi dân gian như: kéo mo cau, ném vòng cổ chai, kéo co, nhảy sạp,… Nhóm trẻ tập võ tại võ đường, làm cờ, trang trí nón Tây Sơn, gươm, đao,..quầy hàng đặc sản Bình Định…
Thứ bảy, tăng cường tổ chức giáo dục kỹ năng sống (KNS) ở hoạt động ngoài trời cho trẻ. Có thể nói, giáo dục kỹ năng sống và HĐVCNT là hai hoạt động không thể tách rời nhau, thông qua hoạt động ngoài trời trẻ sẽ được rèn luyện kỹ năng sống một cách thoải mái nhất. Chúng ta có thể kết hợp một cách hài hòa giữa hai hoạt động này để tổ chức những giờ học KNS ngoài trời cho trẻ thật hấp dẫn. Thay vì chỉ giáo dục KNS trong giờ học, giờ ăn, ngủ…hàng ngày một cách lặp đi lặp lại. Tại sao chúng ta không đưa trẻ ra ngoài trời và tổ chức cho trẻ những giờ hoạt động kỹ năng sống ngoài trời, mà bản chất giống như giờ hoạt động kỹ năng sống ngoại khóa cho trẻ, điều này sẽ làm cho trẻ cảm thấy hấp dẫn đến nhường nào.
Thứ tám, tăng cường công tác tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ khi tổ chức HĐVCNT. Sự phối hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ là một trong những biện pháp không thể thiếu được trong các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ. Để làm được điều này, trong các cuộc họp phụ huynh cần tuyên truyền cho phụ huynh hiểu rõ khi cho trẻ hoạt động ngoài trời đó là hãy để cơ thể của bé được tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên. Việc chân tay bị ướt, quần áo bẩn cũng không đáng lưu tâm so với những gì mà trẻ được trải nghiệm. Vì thế, phụ huynh đừng vì vấn đề vệ sinh mà ngăn không cho bé sờ vào đất cát, cỏ cây. Điều đó chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng quan sát và vận động, trẻ được tự do với những hoạt động ở ngoài trời, hãy cảnh báo cho trẻ biết những nguy hiểm phía trước chứ không nên nâng đỡ hay cản trở trẻ. Đó chính là cách dạy trẻ học cách chịu trách nhiệm với bản thân rèn luyện đức tính cẩn thận. Ngoài những biện pháp trên, vai trò của giáo viên trong việc định hướng tổ chức HĐVCNT cho trẻ cũng cần được chú trọng.
Nói tóm lại, việc cho trẻ được HĐVCNT là yêu cầu hết sức cần thiết để phát triển một cách toàn diện cho trẻ. Ngoài ra đây là hoạt động giúp trẻ thay đổi trạng thái học tập và tạo điều kiện cho trẻ được hít thở bầu không khí trong lành. Việc tận dụng phương pháp, hình thức thích hợp để tổ chức hoạt động giúp trẻ phát huy năng lực hiểu biết cùng tính tích cực chủ động, óc sáng tạo của trẻ trong hoạt động và trở nên sinh động nhẹ nhàng, thoải mái, trẻ không bị áp đặt mà được lựa chọn và tham gia vào hoạt động theo hứng thú và nhu cầu bản thân. Vì vậy theo tôi mỗi giáo viên cần phải luôn tìm kiếm và đổi mới phương pháp, hình thức trong việc tổ chức các hoạt động cho trẻ mầm non, đặc biệt là với phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm như hiện nay là rất cần thiết và quan trọng, mà mỗi giáo viên cần phải sáng tạo chứ không chỉ rập khuôn trong một mẫu hoạt động ngoài trời theo chương trình quy định. Từ đó, góp phần tạo nền móng quan trọng giúp trẻ trưởng thành và phát triển nhân cách toàn diện hơn trong tương lai sau này.
Người viết bài
Nguyễn Thị Thanh Thúy